Người Đà Nẵng xuyên đêm gom đồ cứu trợ vùng lũ lụt, tình nguyện nước rút mới về
Nấu hàng nghìn chiếc bánh
Ngày 11/9, tại căn nhà của anh Lê Thành Long (đường Lý Văn Phức, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có hàng chục thành viên tất bật gói, nấu bánh chưng, bánh tét để gửi đến bà con miền Bắc đang bị ngập lụt.
Anh Lê Thành Long cho biết, ngày 9/9, khi hay tin người dân miền Bắc bị ngập nặng, thiếu đồ ăn, nước uống, các nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng đã cùng nhau chung tay, góp sức nấu bánh gửi tặng bà con.
Nhiều người lạ khi hay tin cũng đến hỗ trợ, ai có gì thì góp nấy. Không ai bảo ai, mỗi người một việc, ngâm gạo, chùi lá, làm nhân, gói bánh và thức xuyên đêm để nấu bánh. Không khí luôn tất bật, khẩn trương.
Chị Thu Trang, một thành viên của nhóm thiện nguyện chia sẻ, các nhóm đã từng cùng nhau hỗ trợ bà con ngập lụt nên có nhiều kinh nghiệm.
Sau khi kết nối với nhau, nhóm cano đã lên đường trước, các nhóm xe bán tải, thiện nguyện tập trung nấu bánh, tiếp nhận nhu yếu phẩm rồi chuyển ra sau.
Ngày 12/9, 15 xe bán tải, 1 xe hàng, mang 5-6 tấn hàng gồm 1.000 bánh chưng, nhu yếu phẩm như cá khô, áo phao, sữa, bánh mì, lương khô, nước, dầu nóng, thuốc ngoài da, mì gói,... đưa đến cho bà con vùng lũ.
Những ngày tới, các CLB thiện nguyện sẽ tiếp tục gói hơn 1.000 cái bánh chưng, bánh tét mỗi ngày. Do quãng đường di chuyển khá xa, toàn bộ bánh chưng được hút chân không để trao đến tay bà con vẫn đảm bảo.
“Miền Trung mỗi lần mưa bão, ngập lụt thiên tai đều được các nơi hỗ trợ. Nay người dân miền Bắc đang oằn mình gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề do bão, mưa lớn gây ra.
Chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ để kịp thời ứng cứu, hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn, cấp bách này”, chị Trang chia sẻ.
Cô trò gom dép, góp một ngày lương
Hai ngày nay, góc nhỏ tại sân Trường mầm non Ngọc Lan (Đà Nẵng) xuất hiện những chiếc giỏ mây với tấm bảng “Nơi tiếp nhận giày dép cho trẻ em vùng cao”.
Để chia sẻ với người dân vùng lũ lụt các tỉnh, thành phía Bắc, nhà trường kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của cô trò và phụ huynh. Mỗi giáo viên góp một ngày lương của mình.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan cho biết, việc làm nhỏ của cô trò, phụ huynh nhà trường nhằm chia sẻ yêu thương với bà con vùng lũ. Đó cũng là cách để giáo dục trẻ về tinh thần tương thân tương ái.
Hoạt động được phụ huynh, học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Sau 2 ngày phát động, hơn 200 đôi giày, dép trẻ em đã được quyên góp. Từng đôi dép cũ sẽ được vệ sinh sạch sẽ, gửi ra cho trẻ em miền Bắc.
Cứu hộ khi nào nước rút mới về
Ngay sau khi nhận được thông tin lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc, đội xuồng hơi cứu hộ - cứu nạn Đà Nẵng đã tình nguyện lên đường ứng cứu.
Hơn 10 thành viên cùng 3 xe pickup, 4 xuồng hơi gắn máy và áo phao, vật dụng cứu hộ đã lên đường tới các địa phương bị ảnh hưởng. Đội phối hợp với các lực lượng tại các tỉnh, thành để ứng cứu người dân.
Anh Minh Việt, thành viên đội xuồng hơi chia sẻ, trước mắt đây là lực lượng tiền trạm. Nếu cần phải huy động, đội sẽ kêu gọi thêm người và phương tiện tham gia. Quan điểm của đội là khi nào nước rút mới về.
Trước đó, vào ngày 8/9, các thành viên của đội SOS Đà Nẵng đã khởi hành ra Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc để kịp thời hỗ trợ bà con.
Anh Đặng Ngọc Tiến, đội trưởng chia sẻ, sau 2 ngày hỗ trợ bà con Hải Phòng dọn dẹp các trường học, đưa cây cối ra ngoài, sửa chữa trang thiết bị, nhóm tiếp tục di chuyển đến Yên Bái.
Sau Yên Bái, đội sẽ hỗ trợ các điểm tiếp theo như Lào Cai, Tuyên Quang.
“Mỗi khi miền Trung gặp bão lụt, hai đầu đất nước đều hướng đến. Nay miền Bắc gặp thiên tai, là lúc miền Trung hỗ trợ lại. Chúng tôi sẽ ra hỗ trợ khoảng 1 tuần, khi ổn định sẽ về lại", anh Tiến chia sẻ.
No comments: