Ngư dân Quảng Nam dùng dụng cụ lạ đánh bắt cá, tìm thi thể người đuối nước
Nghề lạ kiếm tiền triệu
Cần mẫn chỉnh sửa lưỡi câu sau chuyến ra khơi 3 ngày, ông Trần Văn Cường (54 tuổi) hào hứng khoe: “Chuyến đi biển vừa rồi trúng đậm được mẻ cá lớn. Tôi với em rể mỗi người được gần 8 triệu đồng”.
Ông Cường cho biết, câu kiều là loại hình câu cá không cần mồi dẫn dụ, lưỡi câu không có ngạnh nhưng rất sắc bén. Mỗi lưỡi câu có khoảng 200 lưỡi hình chữ U sắc nhọn, xếp thành hàng ngang trên các nẹp tre.
Mỗi dây câu dài 45m, bên trên gắn phao, bên dưới cột đá được thả xuống biển. Cá bơi qua gặp chướng ngại vật sẽ quay đầu hoặc quẫy đuôi và mắc vào lưỡi câu, không có đường thoát.
Theo ông Cường, cả làng có gần 50 hộ dân hành nghề câu kiều. Hầu hết lưỡi câu đều do họ tự làm. Nghề này đánh bắt cá gần bờ, thuyền câu chỉ cần 2 người đi và cho thu nhập khá tốt. Mỗi chuyến đi biển có thể kiếm tiền triệu.
“Nhờ nghề này mà nhiều gia đình ở đây có tiền xây nhà, nuôi con ăn học. Vợ chồng tôi cũng có cuộc sống tương đối ổn định, lo cho 5 đứa con học đại học”, ông Cường kể.
Tìm người đuối nước
Có lần trong làng có người bị đuối nước, thợ lặn tìm mãi không được. Mọi người thử dùng câu kiều để “rà”, không ngờ vớt được nạn nhân. Từ đó, nhiều gia đình có người chết đuối đã tìm đến làng chài ở Quảng Nam này nhờ “câu” giúp thi thể.
“Cái tên làng 'câu' người đuối nước, hay làng 'vớt xác' xuất hiện từ đó, nghe cũng rợn rợn”, ông Cường nói. Ông cho hay, bản thân từng vớt được 5 thi thể và nhiều lần cho người khác mượn câu kiều để tìm nạn nhân mà không lấy tiền.
Sát vách nhà ông Cường, ông Trần Văn Bình cũng có hơn 35 năm thả câu kiều. Và cũng ngần ấy năm cái nghiệp vớt xác người chết đuối vận vào ông.
Theo lão ngư 65 tuổi, nạn nhân đuối nước mới tử vong còn chìm dưới đáy, không trôi xa thì hơn 80% đều vớt được khi thả câu kiều. Nhưng nếu quá 3 ngày, thi thể nổi lên thì xác suất “câu” được sẽ thấp dần.
Để vớt được nạn nhân, phải xác định vị trí, thời điểm xác chìm và dựa theo kinh nghiệm đoán con nước lên xuống rồi buông câu. “Quá trình kéo phải chậm, gặp thi thể lưỡi câu sẽ mắc vào quần áo.
Tìm được xác, chủ lưỡi câu báo cho người thân, chứ không đụng vào”, ông Bình nói.
Tạo phúc đức cho con cháu
Sau khi sử dụng vớt xác, tất cả lưới câu kiều đều phải vứt bỏ. Mỗi lưới câu trị giá khoảng 200.000 đồng. Dù phải tốn công, mất tiền mua vật liệu để làm lại cái mới, nhưng ông Bình không đòi hỏi gì.
Với ông, mang được xác người lên cho gia đình họ là đã tạo được phúc lớn.
“Nhiều gia đình tìm được thi thể sau đó đến cảm ơn và hậu tạ, nhưng tôi không nhận. Cả làng này đều vậy, chẳng ai nỡ lấy tiền. Chúng tôi giúp đỡ nhằm chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân, xem như tạo phúc đức cho con cháu", ông trải lòng.
Là người tham gia hơn chục lần vớt xác, ông Trần Văn Nam (51 tuổi), Bí thư chi bộ thôn An Trân chia sẻ, cực chẳng đã, thợ lặn tìm kiếm không được mới phải dùng đến câu kiều. Vì vớt xác bằng cách này, lưỡi câu sẽ làm rách da thịt của thi thể.
Tuy nhiên, đây được xem như hy vọng cuối cùng của những gia đình có người thân bị đuối nước mà chưa tìm thấy xác.
Ông Nam chính là tấm gương dũng cảm cứu người gặp nạn trên biển, khiến cả làng tự hào. Tháng 6/2022, trong lúc thả câu kiều, ông đã kịp thời ứng cứu 5 người và vớt được 2 thi thể trong vụ tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu chở hàng đâm chìm.
Đến giờ, khi nhắc lại những việc làm ý nghĩa của mình, ông Nam vẫn khiêm tốn: “Chắc đó là cái duyên, gặp duyên thì mình phải làm việc cho đúng tâm. Tôi nghĩ ai trong trường hợp này cũng đều sẽ làm như vậy thôi”.
No comments: