8X Đà Nẵng vẽ tranh sống động từ hạt cát
Anh Dũng chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, khi đang làm đầu bếp ở Hà Nội, anh tình cờ biết đến nghệ thuật tranh cát qua là một lần xem TV.
Nhìn những hạt cát nhỏ ti li, dưới bàn tay khéo léo biến thành bức tranh tuyệt đẹp, chàng trai trẻ đã say mê và có một quyết định táo bạo là nghỉ việc vào TPHCM học làm tranh cát từ nghệ nhân Ý Lan.
Để có tiền theo đuổi đam mê, anh vừa đi làm đầu bếp, vừa đi học làm tranh. Tuy nhiên, làm tranh cát khó hơn anh tưởng. Thời gian đầu theo học, không ít lần anh muốn từ bỏ bởi làm tranh cát mất nhiều thời gian, cần sự tỉ mỉ và cực kỳ kiên nhẫn.
“Học được khoảng 3 tháng, tôi nản chí khi làm mãi vẫn chưa có được một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhưng niềm đam mê với tranh cát giúp tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng. Sau khoảng 2 năm kiên trì học tập, khi chinh phục được mức độ cao nhất của nghệ thuật tranh cát là làm tranh chân dung, tôi quyết định mang loại tranh này về quê hương”, anh nói.
Với đôi bàn tay khéo léo, cùng sự tỉ mẩn, sáng tạo, anh Dũng đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sống động từ hạt cát. Các bức tranh của anh có nhiều đề tài khác nhau như phong cảnh, chân dung, thư pháp,... Tuỳ vào kích thước, độ phức tạp, anh mất từ 3-7 ngày, thậm chí nửa tháng để hoàn thiện một bức tranh.
Tranh cát của anh làm hoàn toàn thủ công, không dùng chất kết dính. Nguyên liệu chủ yếu là cát tự nhiên. Và để có những hạt cát tự nhiên màu sắc đẹp, anh không ngại lặn lội đến các bãi biển, bờ sông, suối nước ở các tỉnh thành để tìm kiếm.
“Tôi thường vào Bình Thuận, Phan Thiết, ra Huế để tìm cát. Cát tự nhiên có ưu điểm bền màu, đa dạng. Ngoài màu trắng, vàng phổ biến, cát còn có màu nâu, đỏ, cánh gián, đen, xanh lam…”, anh nói. Cát sau khi mang về phải trải qua các bước như rửa, phơi khô, sau đó rây để thu được cát mịn.
Anh Dũng chia sẻ, quy trình tạo ra một bức tranh cát bắt đầu bằng việc phân chia bố cục, vẽ phác họa lên bề mặt kính-bề mặt khung tranh.
Khác với các loại tranh khác, tranh cát vẽ từ dưới lên. Dụng cụ vẽ tranh khá đơn giản gồm que tre vót nhọn để nén cát và chiếc muỗng để xúc, rắc cát. Chỉ với khoảng không của khung tranh rộng chừng 1cm nhưng có thể tạo thành bức tranh có 2 mặt khác nhau.
Theo anh Dũng, đối với nghề vẽ tranh cát, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn, tập trung cao độ. "Các lớp cát được xếp chồng lên nhau, không có chất kết dính, vì vậy người vẽ phải thật tỉ mỉ, chính xác trong từng chi tiết”, anh Dũng chia sẻ.
Mỗi bức tranh cát của anh hiện có giá từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng. Sản phẩm được nhiều người đặt hàng để làm quà tặng, lưu niệm.
Thời gian qua, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến anh để học hỏi, tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật làm tranh độc đáo này.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh Dũng cho biết, anh đang ấp ủ làm bộ sưu tập các bức tranh chân dung về Bác Hồ và sẽ dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho những người khuyết tật, khó khăn ở Đà Nẵng.
No comments: