5 tiếng tìm tọa độ phi công Yak-130 và hồi chuông ‘cân não’
14h ngày 6/11, bà Nguyễn Vũ Trà My nhận được cuộc gọi của Giám đốc Viettel Bình Định đề nghị Trung tâm Kỹ thuật KV2-TCT Viettel Networks do bà My làm giám đốc hỗ trợ việc phủ sóng cho khu vực được nghi là hiện trường của một vụ máy bay rơi.
Bà My đã nhiều lần tham gia công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho một số vụ sạt lở với tư cách đơn vị phụ trách việc phủ sóng cho các bộ phận tìm kiếm. Bà không nghĩ rằng nhiệm vụ lần này khác hẳn.
Thông tin ban đầu đến với bà My rất mơ hồ. Nữ giám đốc được gửi một đường link bài báo viết về vụ rơi máy bay quân sự Yak-130 của Trung đoàn Không quân 940 trong lúc tập luyện. Nhưng lần đầu bấm vào, đường link không hiển thị nội dung.
20 phút sau, bà được cung cấp 2 số điện thoại. Bà viết vội ra giấy, chưa hề biết đây chính là số thuê bao của 2 phi công đang mất tích. Nhiệm vụ được giao là định vị vị trí cuối cùng mà 2 số thuê bao này còn liên lạc được.
Bà My nghĩ ngay đến việc mở rộng vùng phủ sóng di động bởi nó từng được sử dụng rất nhiều trong công tác hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên các tỉnh thành khắp cả nước, như: vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng (tỉnh Thừa Thiên - Huế), sạt lở ở xã Trà Leng (tỉnh Quảng Nam), sạt lở ở làng Nủ (tỉnh Lào Cai), sau các trận bão lũ ở Quảng Trị, Quảng Ninh…
Ngay lập tức, một đội tác chiến gồm 6 người được lập ra. “Chúng tôi tiến hành phân tích lịch sử liên lạc của hai thuê bao dựa vào các cơ sở dữ liệu được lưu trên hệ thống tổng đài”.
Khoảng 1 tiếng kể từ khi bà My nhận nhiệm vụ, các thông tin bắt đầu được kết nối. Lúc này, bà đã biết 2 người mình đang tìm kiếm là Thượng tá Nguyễn Hồng Quân và Đại tá Nguyễn Văn Sơn. Bà cũng biết rằng nhiệm vụ mình đang làm thực sự khẩn cấp và quan trọng.
Không lâu sau khi có số điện thoại, trên hệ thống bản đồ của trung tâm đã nhìn thấy cung đường di chuyển của máy bay từ sân bay Phù Cát, vòng qua các huyện của tỉnh Gia Lai, sau đó về khu vực huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tất cả dựa trên tín hiệu bắt sóng từ điện thoại của các phi công.
Theo thông tin thu được, khoảng 11-12h trưa cùng ngày, dấu hiệu bắt sóng từ thuê bao của Thượng tá Quân mất hẳn và điểm bắt sóng cuối cùng chỉ về Trạm Bình Định 126 thuộc xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn.
Tín hiệu bắt sóng từ thuê bao của Đại tá Sơn bị mất sớm hơn - khoảng 11h trưa, tức là chỉ vài phút sau khi các phi công nhận lệnh nhảy dù. Trạm cuối cùng bắt sóng được là Trạm Bình Định 402.
Nữ giám đốc Trung tâm Kỹ thuật KV2-TCT tiếp tục điều phối các bên để xác định vị trí chính xác của 2 phi công. Bà đề xuất với Viettel Bình Định cử 2 nhân sự vào 2 trạm này.
Tại Trung tâm, bà My chỉ đạo thực hiện song song hai việc: một là tăng công suất phát của Trạm 126 gấp 4 lần, hai là chỉnh góc ngẩng ăng-ten của trạm chếch lên trên, hướng về phía núi (bình thường ăng-ten luôn hướng về phía khu dân cư). Động tác này nhằm mục đích để thuê bao điện thoại của Thượng tá Quân có thể bắt được sóng.
“Nếu không làm chủ được công nghệ của mình, chúng tôi không thể làm được như vậy” – bà My nói. Trong nhiều trường hợp khác, Viettel cũng từng thực hiện “roaming” (chuyển vùng) sóng giữa các mạng để đảm bảo người dân sử dụng các mạng di động khác cũng có thể bắt sóng, liên lạc được với nhau.
Khoảng 16h30, điện thoại của Thượng tá Quân bắt đầu nhận được cuộc gọi. Anh được hướng dẫn lấy tọa độ để gửi về cho đội tìm kiếm.
Về phía Trung tâm, bà My yêu cầu Viettel Bình Định chuẩn bị, rà soát vật tư để lắp đặt bổ sung trạm tạm nhằm hỗ trợ cho công tác giải cứu, “bọc lót” cho Trạm 126, đảm bảo sóng di động phủ ổn định trong suốt thời gian tìm kiếm.
Trong khi đó, ở Trạm 402, các thao tác cũng được thực hiện giống như ở Trạm 126, tức là tăng công suất gấp 4 lần và điều chỉnh góc ngẩng ăng-ten. Nhưng thuê bao của Đại tá Sơn vẫn im lìm, không một tiếng chuông.
Trong đầu bà My đã xuất hiện những ý nghĩ hoàn toàn theo chiều hướng tiêu cực: điện thoại rơi hỏng, hết pin hoặc phi công trong tình trạng tồi tệ...
Những cuộc gọi liên tục của bà tới số của Đại tá Sơn chìm vào vô vọng.
Lúc này, bà và các đồng nghiệp bắt đầu ngồi phân tích lại xem liệu mình có bỏ lỡ chi tiết nào quan trọng.
Dựa trên số liệu: Trạm 402 chỉ là trạm cuối cùng bắt sóng được với thuê bao, trong khi thuê bao của Đại tá Sơn bị mất liên lạc ngay sau thời điểm nhận lệnh nhảy dù chỉ vài phút. Nhóm tác chiến của Trung tâm suy luận: Trạm 402 chưa chắc đã là khu vực gần với địa điểm mà phi công đáp xuống.
Nhóm xem lại tất cả các trạm mà thuê bao đã bắt sóng được cho tới lúc mất liên lạc. Mỗi trạm có 3 ăng-ten nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là tất cả ăng-ten bắt sóng được đều chỉ về cùng một hướng.
Cả nhóm bắt đầu khoanh vùng và tư duy thêm: Hai phi công nhảy dù cùng thời điểm mà 2 trạm cuối cùng bắt sóng được thuê bao lại cách nhau mười mấy cây số thì thật lạ, không thể quá xa nhau như thế được...
Một nghi hoặc được đưa ra: Cả hai phi công có thể hạ cánh xuống cùng một dãy núi nhưng người ở mạn bên này, người ở mạn bên kia.
Bà My cho rà soát và khoanh vùng lại 3 trạm: 108, 132 và 095. Các bước thực hiện giống như đã làm thành công với Trạm 126. “Sau khi thực hiện tăng công suất phát, thay đổi góc ngẩng ăng-ten với cả 3 trạm 108, 132 và 095, chúng tôi thực hiện cuộc gọi vào số của phi công Sơn thì bất ngờ đầu bên kia đổ một hồi chuông rất ngắn rồi ngắt luôn”.
“Chúng tôi dáo dác hỏi nhau 'vừa có tiếng chuông phải không?' Ai cũng sợ mình nghe nhầm. Tuyệt vọng quá rồi!”- bà My nhớ lại.
“Tiếng chuông vang lên khiến cả nhóm như bừng tỉnh.Vậy là chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng".
Lúc đó là 18h37 và chiếc điện thoại của Đại tá Sơn được xác định là vẫn còn pin.
“Một lần nữa chúng tôi lại tiến hành lấy dữ liệu online trên hệ thống và phân tích kiểm tra thì phát hiện thuê bao của phi công Sơn đang bắt vào trạm di động Bình Định 095
Sau khi cuộc giải cứu kết thúc, cả nhóm mới biết rằng hồi chuông ngắn ngủi ấy cũng chính là chỉ dấu giúp người phi công biết rằng mình đang đi đúng hướng.
Trước đó, Đại tá Sơn nghĩ rằng cứ đi xuôi theo đường suối thì đội tìm kiếm sẽ dễ tìm mình hơn, nhưng càng đi xuống thì càng không có tín hiệu điện thoại. Anh quyết định đi ngược lên trên. Khi lên gần tới đỉnh, điện thoại anh đổ một hồi chuông rất ngắn. Như vậy là càng lên cao, cơ hội bắt sóng càng cao.
Quay trở lại căn phòng ở Trung tâm kỹ thuật KV2-TCT, ngay lập tức, bà My chỉ đạo thêm một bước: Giảm bǎng thông cho Trạm Bình Định 095.
Thông thường, băng thông là 20MHz, giảm còn 10MHz. Mục đích là tăng công suất gấp đôi để bắt sóng được với anh Sơn. Tất nhiên, dung lượng bị giảm sẽ ảnh hưởng đến các khách hàng khác. Nhưng ưu tiên trước mắt là cứu người, mọi chuyện khác tính sau.
Việc tiếp theo, bà đề nghị bộ phận chuyên trách khai báo thuê bao của Đại tá Sơn thành thuê bao hạng kim cương để được nhận ưu tiên dịch vụ cao nhất.
Mất 8 phút để tiến hành tất cả các thao tác trên.
18h45, bà bấm máy thử. Những hồi chuông liên tục réo vang từ đầu dây bên kia. Bà run run hỏi: “Alo, số anh Sơn phải không?”.
“Anh Sơn đây! Anh Sơn đây!” - đầu dây bên kia trả lời.
Tất cả mọi người như vỡ òa.
(Còn nữa)
Ảnh: Nhà mạng cung cấp
Hai phi công thoát nạn kể phút vật lộn trên không cố cứu máy bay Yak-130
Sau những nỗ lực cho tới những phút cuối cùng để cứu máy bay Yak-130, hai phi công cố gắng đưa chiếc máy bay ra khỏi khu vực xa dân cư để đảm bảo an toàn cho mặt đất.
Đã tìm thấy 2 phi công mất tích nhờ định vị bằng sóng di động
Lực lượng tìm kiếm đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật để có thể liên lạc, từ đó xác định vị trí và giải cứu thành công 2 phi công mất tích sau sự cố rơi máy bay Yak-130 tại Bình Định.
No comments: