Xóm nghề ở TPHCM ‘chuộng’ người già, thợ trẻ nhất cũng ở tuổi U60
Xóm làm nghề chổi đót truyền thống ở TPHCM trước nguy cơ lụi tàn trong tương lai gần. Clip: Hà Nguyễn
Xóm chổi đót cuối cùng
Xen lẫn thanh âm ồn ào của phố thị, con hẻm 180 Phạm Phú Thứ (quận 6, TPHCM) vang vang tiếng dao chặt đều tay trên thớt gỗ. Đó là tiếng tề lưỡi chổi đót từ những hộ dân làm chổi đót cuối cùng của thành phố.
Những người làm nghề lâu năm cho biết, nghề bó chổi đót xuất hiện ở TPHCM vào khoảng đầu thập niên 1960. Những người làm nghề đầu tiên vốn là dân miền Trung vào TPHCM lập nghiệp.
Tại đây, họ tập trung thành từng nhóm quanh chợ Bình Tiên, đường Phạm Phú Thứ và đường Phạm Văn Chí. Ông Phạm Văn Trung, 55 tuổi, theo nghề làm chổi đót từ năm 8 tuổi cho biết: “Trước đây, khu vực này toàn ao, ruộng sình lầy.
Người dân chỉ biết cắt rau muống đem bán để mưu sinh. Sau này, có người nghĩ ra cách bó chổi bằng bông cây đót. Thấy chổi bán được, mọi người cùng làm rồi dạy nhau trở thành làng chổi đót đông đúc.
Lúc thịnh nhất, làng nghề có đến hàng nghìn hộ làm và bán chổi đót. Làng nghề có nhiều người làm đến nỗi hẻm không còn lối đi vì nhà nhà dựng trụ, giăng dây kẽm để bện chổi. Chổi thành phẩm được chất khắp nơi".
Làng chổi đót hầu như không có sự xuất hiện của máy móc. Tất cả các công đoạn đều được người thợ làm bằng chính đôi tay và kinh nghiệm của mình.
Nguyên liệu chính làm chổi là cây đót, được thu mua từ các tỉnh Tây Nguyên như: Kon Tum, Gia Lai… Để hoàn thành cây chổi, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như: Xé đọt, buộc lọn, bện lưỡi, vào cán, tề lưỡi.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải khéo léo, có kỹ thuật. Nếu như xé đọt phải nhanh, chính xác, đẹp thì khâu buộc lọn lại đòi hỏi sự chính xác cao để các lọn khi buộc xong tương đồng về hình dáng, trọng lượng, kích thước.
Bà Huỳnh Thị Kim Thảnh (63 tuổi, người làm chổi đót từ nhỏ) cho biết: “Trong các công đoạn, bện lưỡi chổi là khâu khó nhất. Bởi công đoạn này quyết định trực tiếp đến độ chắc chắn, tính thẩm mĩ của cây chổi đót.
Thợ làm lâu năm, có kinh nghiệm sẽ bện được lưỡi chổi đều. Giữa các lọn chổi không có khe hở, đường dây đan thẳng, đều không méo, không chỗ thưa, chỗ chặt cầm lên thấy chắc chắn. Ngược lại, chổi cho cảm giác lỏng lẻo, méo mó”.
Chủ yếu làm thủ công, nhưng công việc này cũng có ít nhiều cực nhọc, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe người làm. Ngoài việc phải trực tiếp tiếp xúc với lớp bụi dày đặc bay ra từ bông đót, người thợ còn bị dây kẽm cắt, đâm vào tay…
Chỉ còn người già theo nghề
Mỗi cây chổi đót hiện có giá bán từ 20.000 - 40.000 đồng. Tuy vậy, những năm trở lại đây, làng nghề chổi đót tại TPHCM bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng sản xuất tại các tỉnh miền Trung và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cực nhọc nhưng thu nhập thấp, bị cạnh tranh khốc liệt khiến làng nghề chổi đót truyền thống ở TPHCM bị thu hẹp, mai một dần theo thời gian. Hiện, nơi đây chỉ còn khoảng 5-10 hộ cố gắng duy trì nghề truyền thống của gia đình.
Đáng buồn hơn, xóm nghề không còn lớp thợ trẻ kế cận. Những người đang làm việc tại các cơ sở bện chổi đót thủ công đều đã có tuổi. Thợ trẻ nhất cũng đã bước vào tuổi U60.
Ông Trang Đức Anh (52 tuổi, chủ hộ làm chổi đót theo phương pháp truyền thống) buồn bã cho biết, làm nghề hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ ông buồn như bây giờ. Ngoài việc bị cạnh tranh khốc liệt, thu nhập chạm đáy, nghề truyền thống cũng bị lớp trẻ “ngoảnh mặt”.
Ông tâm sự: “Tôi còn làm là vì muốn gìn giữ nghề truyền thống của ông bà. Bây giờ không còn ai muốn theo nghề nữa. Đến khi lớp người như chúng tôi nằm xuống, cái nghề truyền thống này sẽ lụi tàn.
Các em, các cháu chê nghề này vừa bụi bặm, vừa cực, lại thu nhập thấp. Ngay cả con, cháu ruột của tôi cũng bỏ nghề. Bây giờ cả xóm chỉ có người già mới làm nghề này. Người trẻ nhất cũng đã ngoài 50 tuổi rồi”.
Cùng tâm trạng, ông Trần Thanh Hoàng, thợ bện chổi bằng tay ở cơ sở do ông Anh làm chủ, cho biết trước đây cũng đào tạo được một số thợ trẻ. Tuy nhiên sau một thời gian, thợ trẻ đều bỏ nghề để tìm công việc khác.
Trong khi đó, dù theo nghề từ năm 8 tuổi nhưng vì áp lực kinh tế, ông Phạm Văn Trung cũng sớm dừng lại để tìm việc khác. Sau này, khi đã có tuổi, kinh tế ổn định, ông mới quay lại làm để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.
Cũng như ông Trung, vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Thảnh cũng cố gắng giữ nghề cho đến khi không còn đủ sức. Bà Thảnh nhận định, nghề làm chổi đót truyền thống tại đây lụi tàn như một điều tất yếu.
Bà nói: “Công việc này thường ế từ đầu năm đến cuối năm. Nghề chỉ thực sự có thu nhập vào những ngày giáp Tết.
Đã thế, vào mùa mưa, công việc cũng gần như đình trệ. Ngày thường, những người như chúng tôi dẫu có làm thì cũng chỉ cầm chừng thôi. Một số nhà có thể làm chổi để xuất khẩu nhưng số lượng cũng rất ít.
Vất vả, bấp bênh nhưng thu nhập không tốt, nên lớp trẻ không theo nghề là điều dễ hiểu. Hiện, có thể nói đây là nghề của người già. Như gia đình tôi, chỉ có vợ chồng tôi theo nghề.
Một phần là do tôi đã làm công việc này từ nhỏ nên quen tay. Phần khác, tôi muốn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình được lúc nào hay lúc đó, nên dẫu đau lưng, ngứa mắt vì bụi đót, vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm”.
Thợ kim hoàn Thái Bình tiết lộ điều đặc biệt ở làng nghề gần 600 năm tuổi
Làng chạm bạc Ðồng Xâm (Thái Bình) có bề dày lịch sử gần 600 năm. Đây cũng là một trong ba làng nghề kim hoàn truyền thống nổi tiếng bậc nhất miền Bắc nước ta.
45 năm bám nghề mẹ chồng dạy, người phụ nữ được khách nước ngoài khen hết lời
Hơn 40 năm học nghề từ mẹ chồng, người phụ nữ chăm chỉ rèn luyện để rồi trở thành người truyền lửa, lưu giữ nghề sang sợi truyền thống.
Người đàn ông ở Bắc Ninh đam mê làm nghề không lo thất nghiệp, hiếm có ai theo
Theo chia sẻ của anh Thạo, làm nghề này không bao giờ sợ ‘thất nghiệp’ vì hiện tại trên cả nước những người làm nghề khắc mộc bản chỉ đếm trên đầu ngón tay.
No comments: