Ông lão ở Quảng Nam 25 năm tự nguyện canh 'giấc ngủ' cho hàng trăm liệt sĩ
Dưới nắng gắt ngày hè khiến lưng áo ướt đẫm mồ hôi, ông Hoàng Ngọc Tâm (70 tuổi) vẫn cặm cụi ngồi lau từng tấm bia mộ, nhổ từng ngọn cỏ trong nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Công việc lặng lẽ này như mang lại hơi ấm, niềm an ủi cho gần 300 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.
Quệt mồ hôi trên vầng trán nhăn nheo, ông Tâm bồi hồi nhớ lại, năm 1999, khi chuyển về sinh sống tại làng Hà Bình (xã Bình Minh), thấy nghĩa trang liệt sĩ gần nhà chưa có người chăm sóc, cỏ dại um tùm, ông đã tự nguyện nhận công việc này.
"Hồi đó, tôi làm bảo vệ ở chợ Bình Minh, tranh thủ lúc sáng sớm và chiều đi làm về là tôi vào quét dọn nghĩa trang liệt sĩ. Tôi xem việc này như một cách để tri ân những người đã hy sinh vì đất nước", ông Tâm giãi bày.
Ban đầu, thấy ông Tâm lo "chuyện bao đồng", hàng xóm cũng dị nghị, người khen, kẻ chê rảnh rỗi. Gia cảnh lại khó khăn, phải chật vật mưu sinh để nuôi các con ăn học, nhưng ông Tâm vẫn kiên trì làm công việc quản trang này.
Bất kể nắng mưa, đều đặn hai lần một ngày, vào lúc 6h và 18h, ông Tâm vào quét dọn, bật tắt đèn… trong khuôn viên nghĩa trang rộng hơn 1.000m2, rồi dâng hương lên các phần mộ liệt sĩ.
Để nghĩa trang xanh đẹp hơn, ông trồng thêm hàng hoa sữa và tự mua phân bón, tưới nước cho cây. Không chỉ vậy, khi lư hương, bóng đèn, cờ phướn… hư hỏng, ông Tâm cũng bỏ tiền túi ra thay thế.
"Không ra lại thấy nhớ, thấy thương các anh lắm"
Tận tụy với công việc không lương này suốt 25 năm qua, ông Tâm đã thuộc nằm lòng từng hoàn cảnh hy sinh của những người lính. Chỉ cần thân nhân liệt sĩ nói tên, ông có thể chỉ ngay được vị trí của ngôi mộ.
Giữa ông Tâm và các liệt sĩ ở đây dường như có sự gắn kết đặc biệt, chính vì thế một ngày không ra nghĩa trang, ông lại cảm thấy có lỗi. "Làm mãi quen rồi, không ra lại thấy nhớ, thấy thương các anh lắm", ông tâm sự.
Với những ngôi mộ chưa xác định được danh tính, không người thân thăm viếng, ông Tâm xem như người thân. Ông chăm sóc, lo nhang khói một cách chu đáo để các liệt sĩ bớt cô quạnh.
Ngôi nhà nhỏ của ông Tâm cũng thường xuyên đón thân nhân liệt sĩ khắp nơi ghé đến. Họ biết ông làm quản trang, nên nhờ hỗ trợ tìm người thân. "Nhìn các anh nằm đây nhưng người thân không hay biết, tự nhiên tôi day dứt lắm.
Tận tay chăm sóc phần mộ cho các anh, lòng tôi cảm thấy thanh thản hơn, đời vui hơn. Chỉ mong những ngôi mộ chưa biết tên ở đây sớm xác định được danh tính, để có thể trở về quê nhà, được người thân chăm sóc", ông Tâm trải lòng.
Hơn 2 thập kỷ gắn bó với những công việc thầm lặng bên mộ liệt sĩ, ông lão 70 tuổi chưa hề đòi hỏi bất cứ đồng thù lao hay phụ cấp gì. Giờ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông càng vững tin hơn bởi có sự sẻ chia, ủng hộ của vợ con.
"Cách đây 4 năm, chồng tôi bị tai nạn chấn thương nặng ở chân, không đi làm ở chợ được nên dồn hết tâm sức cho việc chăm sóc mộ.
Thời gian ông ấy ở nghĩa trang còn nhiều hơn ở nhà, nhưng đó là tâm nguyện của ổng, nên tôi và các con đều ủng hộ. Những lúc chồng mệt, tôi cũng phụ quét dọn, thắp hương cho liệt sĩ", bà Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi, vợ ông Tâm) bộc bạch.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Xuân Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, việc ông Hoàng Ngọc Tâm tự nguyện trông coi, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của xã suốt 25 năm là việc làm rất đáng quý.
"Chúng tôi trân trọng việc làm đầy ý nghĩa của ông Tâm đối với các anh hùng liệt sĩ. Để động viên tinh thần và thể hiện tình cảm, vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, lãnh đạo xã đều đến nhà ông Tâm thăm hỏi, tặng quà", ông Tới nói.
No comments: